Truy cập nội dung luôn
 
        
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN










Thông kê truy cập Thông kê truy cập

Đang online: 1997
Lượt truy cập trong tuần: 2309
Lượt truy cập trong tháng: 2309
Lượt truy cập trong năm: 427293
Tổng số truy cập: 4190137

AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Ngày đăng 30/09/2024 | 10:27  | Lượt xem: 183

Ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, Công an Thành phố và quận Thanh Xuân giới thiệu nội dung cơ bản của Luật, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

1. Cơ sở chính trị và pháp lý

Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018; ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020. Việc Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, cũng thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí, phòng, chống khủng bố, vũ khí huỷ diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên như: Nghị định thư Geneva năm 1925 về việc cấm sử dụng trong chiến tranh các chất làm ngạt, chất độc hoặc các loại vũ khí khác và phương pháp chiến tranh vi trùng (Việt Nam tham gia tháng 12/1980); Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hoá học (Việt Nam tham gia tháng 3/1993); Công ước cấm vũ khí sinh học (Việt Nam tham gia tháng 6/1980); Công ước cấm một số vũ khí thông thường gây sát thương quá mức (Việt Nam tham gia năm 1980); Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Việt Nam tham gia tháng 9/1996); Hiệp ước bảo đảm an toàn hạt nhân (Việt Nam tham gia tháng 9/1989); Nghị định thư bổ sung Hiệp định bảo đảm an toàn hạt nhân (Việt Nam tham gia tháng 8/2007); Hiệp ước về cấm thử hạt nhân toàn diện (Việt Nam tham gia năm 1996); Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (Việt Nam tham gia năm 2017); Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân (Việt Nam tham gia tháng 11/1996)…

Thời gian qua Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế như: Văn kiện Đại hội Đảng khoá XIII, về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó, xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường…tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 27/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như: Công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh…; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định “hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia”; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, đã đề ra giải pháp về chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 2020 - 2025, các bộ, ngành hàng năm ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hoá các quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu bảo đảm chất lượng, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật để hỗ trợ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã xác định nhiệm vụ nâng cao việc ứng dụng cơ sở dữ liệu vào các hoạt động quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới.

2. Cơ sở thực tiễn

Qua 05 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, Bộ Công an đã trang bị cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý 3.000.601 vũ khí, công cụ hỗ trợ, gồm: 152.367 vũ khí quân dụng, 5.162 vũ khí thể thao, 2.843.072 công cụ hỗ trợ; cấp 1.725.530 giấy phép sử dụng, 1.275.071 giấy xác nhận đăng ký; tổ chức tập huấn, huấn luyện, cấp 605.120 giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an đã sản xuất trên 200.000 công cụ hỗ trợ các loại để phục vụ trang bị, sử dụng cho Công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Bộ Quốc phòng đã trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ cho mục đích quốc phòng đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của Luật, không để xảy ra mất, thất lạc; hàng năm đã tổ chức đào tạo, huấn luyện về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã tổ chức 06 đợt huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp và cấp 1.376 giấy chứng nhận cho người quản lý, 20.916 giấy chứng nhận cho người có liên quan; tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã sản xuất vũ khí, khí tài đúng theo danh mục và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu trang bị, sử dụng phục vụ bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh, trật tự. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý, cấp các loại giấy phép về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, trong đó, xuất khẩu trên 63.000 tấn vật liệu nổ công nghiệp, 320.000 tấn tiền chất thuốc nổ; sử dụng trên 700.000 tấn tiền chất thuốc nổ để sản xuất thuốc nổ; sử dụng trên 800.000 tấn vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản và phục vụ mục đích khác.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kết quả trong 05 năm, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại, 17.860 bom, mìn, lựu đạn, 423.390 viên đạn, 3.762.871 kg thuốc nổ, 46.416 kíp nổ, 25.056 công cụ hỗ trợ, 98.895 vũ khí thô sơ, 6.801 linh kiện lắp ráp vũ khí. Bộ Công an với vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ triển khai quyết liệt, xuyên suốt, hiệu quả từ Bộ đến cơ sở (Công an cấp xã) nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được kiềm chế; kết quả trong 05 năm toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, trong đó: Chế tạo trái phép 135 vụ, 197 đối tượng; mua bán trái phép 593 vụ, 812 đối tượng; vận chuyển trái phép 208 vụ, 251 đối tượng; tàng trữ trái phép 4.342 vụ, 5.659 đối tượng; chiếm đoạt trái phép 30 vụ, 30 đối tượng; trộm cắp 86 vụ, 91 đối tượng; sử dụng trái phép 28.715 vụ, 48.987 đối tượng (sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng); thu 4.975 khẩu súng các loại, 706.169 viên đạn, 321 lựu đạn, bom, mìn, 27.165,8 kg thuốc nổ, 106.564 kíp nổ, 15.249 công cụ hỗ trợ, 28.023 vũ khí thô sơ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

(1) Khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực tế trong 05 năm, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao, trong đó:

- Phân tích theo loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, dao và phương tiện tương tự dao sử dụng làm công cụ, phương tiện gây án như sau:

+ Vũ khí quân dụng 330 vụ, 546 đối tượng (chiếm 1,1% tổng số vụ, 1,1% tổng số đối tượng);

+ Vật liệu nổ 246 vụ, 373 đối tượng (chiếm 0,8% tổng số vụ, 0,7% tổng số đối tượng);

+ Công cụ hỗ trợ 978 vụ, 1.375 đối tượng (chiếm 3,4% tổng số vụ, 2,8% tổng số đối tượng);

+ Súng tự chế 1.783 vụ, 2.589 đối tượng (chiếm 6,2% tổng số vụ, 2,8% tổng số đối tượng), trong đó: Súng bắn đạn ghém 191 vụ, 259 đối tượng; súng nén hơi cồn 352 vụ, 444 đối tượng; súng nén ga 74 vụ, 90 đối tượng; các loại súng tự chế khác 1.166 vụ, 1.812 đối tượng;

+ Vũ khí thô sơ 8.537 vụ, 17.632 đối tượng (chiếm 29,7% tổng số vụ, 36% tổng số đối tượng), trong đó: Dao găm 857 vụ, 1.111 đối tượng; đao, kiếm 1.543 vụ, 3.540 đối tượng; mã tấu 1.531 vụ, 3.648 đối tượng; vũ khí thô sơ khác 4.606 vụ, 9.333 đối tượng;

+ Dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), trong đó: Dao bầu 1.118 vụ, 1.682 đối tượng; dao phay 1.432 vụ, 1.821 đối tượng; dao quắm 646 vụ, 1.034 đối tượng; các loại dao khác 10.691 vụ, 16.919 đối tượng; phương tiện tương tự dao 2.954 vụ, 5.016 đối tượng.

- Phân tích theo hành vi phạm tội như sau:

+ Giết người 1.304 vụ (chiếm 4,5%) , 2.112 đối tượng (chiếm 4,3%);

+ Bắt cóc 107 vụ (chiếm 0,4%), 130 đối tượng (chiếm 0,3%);

+ Cướp 517 vụ (chiếm 1,8%), 805 đối tượng (chiếm 1,6%);

+ Ma túy 117 vụ (chiếm 0,4%), 210 đối tượng (chiếm 0,4%);

+ Cố ý gây thương tích 9.921 vụ (chiếm 34,5%), 16.535 đối tượng (chiếm 33,7%);

+ Chống người thi hành công vụ 131 vụ (chiếm 0,4%), 191 đối tượng (chiếm 0,4%);

+ Gây rối trật tự công cộng 6.952 vụ (chiếm 24,2%), 16.735 đối tượng (chiếm 34,1%);

+ Hành vi khác 9.666 vụ (chiếm 33,8%), 12.269 đối tượng (chiếm 25,2%).

Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, dao sắc, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Trong khi đó, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt nhưng khi phát sinh mâu thuẫn đối tượng sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân nhằm giải quyết mâu thuẫn. Thực tế quá trình điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí. Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/330 vụ, 2.589/546 đối tượng), các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng gây án, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của Luật thì súng tự chế không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng. Do đó, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

(2) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; Căn cước công dân; các quyết định phê duyệt, hồ sơ, giấy tờ chứng minh các điều kiện hoạt động…Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành.

(3) Hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của các nước cho, tặng, viện trợ vũ khí (súng cầm tay, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ), công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước để nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho tặng, viện trợ.

(4) Theo quy định tại các điều 21, 26 và 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ có thời hạn 05 năm, sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi; một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay...) được cấp giấy xác nhận đăng ký và không có thời hạn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ không có sự thay đổi về nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu; hằng năm cơ quan quản lý, cấp phép đã tiến hành kiểm tra, trong khi đó việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí; bên cạnh đó, giấy phép sử dụng và giấy xác nhận đều là giấy phép cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

(5) Một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các điều 37, 38, 39, 40, 42, 43 và 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc như:

- Quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa thống nhất với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

- Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên nghiên cứu, chế tạo ra các loại vật liệu nổ công nghiệp mới nhưng chưa có quy định việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới và không nằm trong danh mục vật liệu nổ công nghiệp nên công tác quản lý, sử dụng gặp rất nhiều khó khăn.

- Tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: “Chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm chất lượng và kỹ thuật an toàn” là chưa thống nhất với Luật Quy hoạch năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

- Quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng không hết vật liệu nổ công nghiệp phải bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển và chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nên gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trên, cần thiết phải xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

1. Mục đích

Xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật

Một là, tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Hai là, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; loại bỏ những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ba là, việc xây dựng dự án Luật phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đồng thời, góp phần quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Bốn là, bảo đảm phù hợp với hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA LUẬT

1. Bố cục Luật

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm 08 chương, 75 điều, trong đó:

1.1. Chương I. Quy định chung gồm 16 điều (từ Điều 1 đến Điều 16) quy định về: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trường hợp thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; thủ tục thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trường hợp mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thủ tục cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để chào hàng, giới thiệu, triển lãm, trưng bày, sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ; giám định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

1.2. Chương II. Quản lý, sử dụng vũ khí gồm 15 điều (từ Điều 17 đến Điều 31) quy định về: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng; loại vũ khí quân dụng trang bị cho Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm lâm, Kiểm ngư, An ninh hàng không, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan; thủ tục trang bị vũ khí quân dụng; thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự; đối tượng được trang bị vũ khí thể thao; thủ tục trang bị vũ khí thể thao; thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao; sử dụng vũ khí thể thao; thủ tục cấp giấy phép mua vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; thủ tục cấp giấy phép sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; khai báo vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo.

1.3. Chương III. Quản lý, sử dụng vật liệu nổ gồm 11 điều (từ Điều 32 đến Điều 42) quy định về: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng; vận chuyển vật liệu nổ quân dụng; nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; dịch vụ nổ mìn; vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

1.4. Chương IV. Quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ gồm 06 điều (từ Điều 43 đến Điều 48) quy định về: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; vận chuyển tiền chất thuốc nổ; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ.

1.5. Chương V. Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ gồm 11 điều (từ Điều 49 đến Điều 59) quy định về: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ; thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ; đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ; thủ tục trang bị công cụ hỗ trợ; thủ tục cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ; cấp giấy phép sử dụng, đăng ký, khai báo công cụ hỗ trợ; vận chuyển công cụ hỗ trợ; thủ tục cấp giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ; sử dụng công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sửa chữa công cụ hỗ trợ.

1.6. Chương VI. Tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gồm 09 điều (từ Điều 60 đến Điều 68) quy định về: Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ; thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trình tự, thủ tục tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổ chức giao nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom; trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kinh phí bảo đảm cho việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

1.7. Chương VII. Quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ gồm 03 điều (từ Điều 69 đến Điều 71) quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; cập nhật, khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

1.8. Chương VIII. Điều khoản thi hành gồm 04 điều (từ Điều 72 đến Điều 75) quy định về: Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7 của Luật Quảng cáo; hiệu lực thi hành; áp dụng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với dao có tính sát thương cao; quy định chuyển tiếp.

2. Một số nội dung mới trọng tâm của Luật

2.1. Sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, trong đó:

(1) Bổ sung quy định dao có tính sát thương cao khi sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không quy định là vũ khí. Tuy nhiên, để đảm bảo quản lý chặt chẽ loại phương tiện có tính chất lưỡng dụng này, phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng dao có tính sát thương cao nhằm mục đích vi phạm pháp luật, Luật đã giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2026; các biện pháp bảo đảm an toàn phải phù hợp với thực tiễn, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân; đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan Công an nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, nơi sản xuất, kinh doanh hoặc nơi cư trú để phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

(2) Sửa đổi, bổ sung khái niệm vũ khí quân dụng bao gồm: Các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng; các loại vũ khí được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành; vũ khí khác không thuộc danh mục vũ khí quân dụng, nhưng có khả năng gây sát thương tương tự như súng quy định quân dụng và linh kiện cơ bản để tạo nên các loại súng này; các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, cụ thể:

“2. Vũ khí quân dụng bao gồm:

a) Súng cầm tay, súng vác vai, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đạn sử dụng cho các loại vũ khí này; các loại bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi và vũ khí khác thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ;

b) Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;

c) Vũ khí quy định tại điểm a khoản 4 Điều này trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

d) Súng săn, vũ khí quy định tại điểm a khoản 4 Điều này, vũ khí quy định tại điểm a khoản 5 Điều này, dao có tính sát thương cao quy định tại khoản 6 Điều này sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật;

đ) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm a khoản này bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa;

e) Linh kiện cơ bản của súng quy định tại điểm b khoản này bao gồm: thân súng, bộ phận cò;

g) Vũ khí khác có tính năng, tác dụng, khả năng gây sát thương tương tự như vũ khí quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”.

2. Bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ nhằm tạo cơ chế pháp lý để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ; đồng thời, quản lý chặt chẽ số vũ khí do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ, cụ thể:

“1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ.

2. Việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện như sau:

a) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan;

b) Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Chỉ được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm theo quy định của Luật này;

d) Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

4. Thủ tục tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:

a) Văn bản đề nghị, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận và tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ; lý do; số lượng, chủng loại, nhãn hiệu vũ khí, công cụ hỗ trợ; họ tên, số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

b) Văn bản đề nghị quy định tại điểm a khoản này nộp tại cơ quan Công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, sau khi tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để sử dụng thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng theo quy định tại các điều 21, 26 và 55 của Luật này.

6. Thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

3. Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được xây dựng theo hướng cắt giảm các loại giấy tờ trên trong hồ sơ thủ tục hành chính và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an; các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính phải khai thác, chia sẻ dữ liệu về công dân, doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để phục vụ công tác đăng ký, quản lý cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó cắt giảm các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; Căn cước công dân; các quyết định phê duyệt, hồ sơ, giấy tờ chứng minh các điều kiện hoạt động….Đồng thời, quy định giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không có thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng vì quá trình thực hiện thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu và không thay đổi về thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, quản lý, sử dụng; hàng năm cơ quan quản lý cấp phép thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị; trong khi đó, việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực.

4. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như: Quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu vật liệu nổ công nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; Bộ Công Thương quy định việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; bỏ quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp; quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hoặc được phép tiêu huỷ; bổ sung quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sửa đổi quy định cho phép giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp có giá trị cho lượt vận chuyển đi và vận chuyển về đối với trường hợp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết.

V. DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT

1. Sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Chính sách này sẽ là cơ sở pháp lý để các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao có tính sát thương cao với mục đích để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ. Việc quy định này nhằm điều chỉnh nhận thức hành vi của các đối tượng, giảm nguồn tội phạm.

2. Bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ nhằm tạo cơ chế pháp lý để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ; đồng thời, quản lý chặt chẽ số vũ khí do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ. Chính sách nhằm tận dụng nguồn viện trợ của nước ngoài, đồng thời, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam.

3. Cắt giảm các giấy tờ, thủ tục tại các điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng nhằm đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công. Chính sách này giúp cơ quan quản lý nhà nước không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do cơ quan, tổ chức cung cấp khi giải quyết các thủ tục hành chính; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ; phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thực hiện. Thống nhất cách thức quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ bằng cấp giấy phép sử dụng; giảm thời gian, nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện cấp đổi giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

4. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Chính sách này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

VI. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC CÓ LIÊN QUAN

1. Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, quy định Vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng

(1) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: "Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả nằng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác".

(2) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi: "Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương".

2. Điều 11, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, quy định Vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị;

b) Không kê khai, đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

c) Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ;

d) Sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm;

đ) Lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.

(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí, công cụ hỗ trợ được giao;

b) Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

c) Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

d) Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

đ) Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;

e) Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật;

g) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không đủ điều kiện sử dụng theo quy định của pháp luật;

h) Phân công người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ;

i) Không bố trí kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

k) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo;

l) Không xuất trình, giao nộp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật;

m) Mang vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng, giấy xác nhận đăng ký;

n) Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

o) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Không thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại Việt Nam;

d) Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ;

đ) Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm;

e) Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Làm mất vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được trang bị;

h) Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

k) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

(4) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

c) Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự;

d) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn;

đ) Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

e) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

g) Làm mất vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

h) Cưa, cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép;

i) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức.

(5) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

b) Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;

c) Mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

(6) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ được xử lý, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

(7) Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các Điểm d và đ Khoản 1; các Điểm a, b, c, e và g Khoản 2; các Điểm a, c, d, đ, e, h, i và k Khoản 3; các Điểm a, b, c, d, đ, e, h và i Khoản 4 và Khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng, Giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm e, Khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 và các Điểm b và k Khoản 3 Điều này.

(8) Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điểm b và c Khoản 2; các Điểm a, b, c, d, đ, e và k Khoản 3; các điểm a, c, d, e và i Khoản 4 và Điểm a Khoản 5 Điều này;

c) Buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo đối với hành vi quy định tại Điểm o Khoản 2 Điều này.

3. Các chế tài của Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành:

Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định các Điều luật sau liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ:

(1) Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự     

Khoản 1 quy định: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Các khoản 2, 3, 4, 5 tùy từng trường hợp, người phạm tội có thể bị phạt tù đến chung thân; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

(2) Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

Khoản 1 quy định: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Các khoản 2, 3, 4, 5 tùy từng trường hợp, người phạm tội có thể bị phạt tù đến chung thân; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

(3) Điều 306. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ

Khoản 1 quy định: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Các khoản 2, 3, 4 tùy từng trường hợp, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 07 năm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

(4) Điều 307. Tội vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Khoản 1 quy định: Người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, sửa chữa, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc tiêu hủy vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Các khoản 2, 3, 4, 5 tùy từng trường hợp, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 15 năm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(5) Điều 308. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng

Khoản 1 quy định: Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Các khoản 2, 3, 4 tùy từng trường hợp, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 10 năm; có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Quy định về việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã phường, thị trấn theo Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2021 có liên quan đến công tác Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Điều 5. Đối tượng, thời hiệu, thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Đối tượng và thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 01 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

c) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

d) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

đ) Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hiệu là 03 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm này;

e) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này.

2. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.

Đề nghị mọi công dân nghiêm chỉnh chấp hành, tích cực vận động người khác cùng thực hiện. Cung cấp những thông tin và nghi vấn về các hành vi vi phạm cho cơ quan Công an, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô./.

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

https://thanhxuan.hanoi.gov.vn/pho-bien-phap-luat/-/asset_publisher/qTXFQGHFvNHd/content/tai-lieu-gioi-thieu-noi-dung-co-ban-luat-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro